Nhiều phụ nữ khi mang bầu rồi mới phát hiện bản thân mắc viêm gan C hoặc khao khát sinh con dù đang mang bệnh trong mình.
Khả năng lây truyền viêm gan C từ mẹ sang con
Viêm gan C là căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây từ mẹ sang con và hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm thấp, chỉ khoảng <5% và nếu người mẹ được điều trị bệnh tốt trước khi mang thai, tỉ lệ này còn giảm xuống thấp hơn nữa. Khả năng truyền bệnh khi thai ở trong tử cung là rất hiếm. Đa số trường hợp lây ở giai đoạn sinh nở. Phần lớn những đứa trẻ nhiễm HCV ở giai đoạn này thường không có triệu chứng và trẻ rất bình thường trong lúc còn nhỏ. Khi trẻ lớn hơn, khoảng sau 18 tháng cần xét nghiệm thêm để tìm hiểu ảnh hưởng của nhiễm HCV.
Ở những bà mẹ đồng nhiễm HIV và viêm gan C, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con tăng gấp 4 lần (khoảng 15-20%). Do đó, trước khi có ý định mang thai, mọi phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe của mình để có phương hướng điều chỉnh hoặc điều trị kịp thời trong quá trình mang thai.
Virus viêm gan C có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Để đánh giá ảnh hưởng của bệnh viêm gan C tới thai, người ta dược vào thứ nhất là việc lây truyền virus từ mẹ sang con và thứ hai là nguy cơ di tật ở thai. Về lây truyền, tỷ lệ người mẹ mắc virus HCV truyền sang C cho thai nhi có thể lên tới 36%, tuy nhiên, nguy cơ lây truyền trung bình chỉ khoảng 5%. Trong đó, thai phụ có tỉ lệ virus trong máu thấp thì khả năng lây truyền sang con là không cao và ngược lại, nếu lượng virus HCV trong máu cao cùng với mức độ tổn thương gan nghiêm trọng thì nguy cơ lây nhiễm sang cho bé sẽ cao hơn.
Về nguy cơ dị tật thai nhi hoặc thai chết lưu không tăng ở những người mẹ bị nhiễm virus viêm gan C. Một vài nghiên cứu khoa học cũng khẳng định rằng tỷ lệ bị biến chứng cho cả mẹ và bé không tăng lên trong thời gian thai kỳ nếu người mẹ bị mắc bệnh.
Như vậy theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng của viêm gan C tới thai nhi là không quá nghiêm trọng nếu mẹ chủ động khắc chế căn bệnh này trước khi mang thai.
Bà mẹ bị viêm gan C có thể cho con bú không?
HCV không lây qua đường sữa mẹ vì thế những người mẹ nhiễm virus viêm gan C hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng: người mẹ nhiễm HCV không nên cho con bú khi thấy đầu vú bị nứt hoặc chảy máu, tốt nhất nên vắt sữa rồi cho con ăn để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm sang cho đứa trẻ.
Trong quá trình mang thai và sinh nở, người mẹ mắc viêm gan C nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa gan mật và sản khoa để có hướng điều trị, theo dõi và tầm soát lây lan bệnh hiệu quả, tránh làm lây nhiễm virus ngoài cộng đồng.
Mẹ cần làm gì để phòng tránh ảnh hưởng của viêm gan C tới bé?
Theo các chuyên gia gan mật, phụ nữ bị bệnh viêm gan C trước khi có ý định mang thai thì cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện điều trị dứt điểm bằng các thuốc kháng virus theo chỉ định để làm giảm nồng độ virus trong máu, nâng cao miễn dịch, tăng cường sức khỏe bản thân bằng một lối sống khoa học và một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý. Điều này sẽ giúp làm giảm tối đa mức độ ảnh hưởng của virus viêm gan C tới em bé.
Ngoài ra, trong quá trình mang bầu nếu mẹ mắc viêm gan C thì cần hạn chế dùng thuốc điều trị viêm gan C bởi các loại thuốc này sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, của bé và trong khi sinh nở. Do vậy, khi mang thai thì mẹ bầu tốt nhất là chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sỹ (ngay cả với những thuốc bổ gan).
Cùng với đó, bà bầu cũng cần phải bồi dưỡng dưỡng chất, ăn uống thật đầy đủ, có chế độ sinh hoạt khoa học, tránh căng thẳng, thức khuya, giảm lao động nặng nhọc… để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Và phòng tránh được ảnh hưởng của viêm gan C tới thai nhi, chị em nên đến bệnh viện thăm khám sức khỏe định kỳ, từ đó bác sỹ chuyên khoa sẽ tìm ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.