Men gan được sản sinh trong tế bào gan và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chu trình chuyển hóa và trao đổi chất của con người. Tế bào chết đi giải phóng men gan vào máu. Khi ngưỡng men gan trong máu bị rối loạn, nhất là men gan cao, phải hết sức lưu ý tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử trí thích hợp.
Nguyên nhân dẫn đến men gan cao:
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng men gan cao trong đó, viêm gan B, viêm gan do bia rượu là nguyên nhân phổ biến. Nồng độ của men gan tăng thường tỉ lệ với mức độ tổn thương tế bào gan. Tuy nhiên, men gan không tăng đồng thời với diễn biến của bệnh nên người bệnh thường chủ quan, không thăm khám kịp thời dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Trong một số trường hợp khác, việc gia tăng nồng độ men gan trong máu lại không liên quan gì tới gan.
Một số nguyên nhân hay gặp khiến men gan cao trong cơ thể bao gồm những nguyên nhân tại gan và nguyên nhân ngoài gan như:
– Men gan cao do viêm gan cấp: do bất kể nguyên nhân gì đều khiến men gan tăng, đặc biệt là tăng rất cao, gấp 7-8 lần trở lên. Trong viêm gan cấp tính do nhiễm virus viêm gan, có khi men gan tăng gấp từ 10 – 20 lần so với ngưỡng bình thường.
– Viêm gan mạn tính thể hoạt động, viêm gan, xơ gan do rượu bia, chất độc hại, ung thư gan… làm tăng mạnh nồng độ men gan trong máu.
– Lạm dụng rượu bia, đồ uống có cồn khiến men gan cao. Thường các trường hợp này, tình trạng men gan cao thường nhẹ hơn, chỉ số AST thường tăng 2-10 lần, ALT chỉ tăng nhẹ so với bình thường.
– Tắc đường mật do giun, sỏi; viêm tụy, tắc ruột, viêm dạ dày cấp…Các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu… trong giai đoạn toàn phát cũng dẫn đến men gan cao. Nguyên nhân là do đường dẫn mật phù nề hoặc tắc nghẽn khiến dịch mật khó lưu thông tác động đến tế bào gan và vì vậy làm cho men gan gia tăng.
– Men gan cao do dùng một số loại thuốc không tốt cho gan, thậm chí gây độc cho gan như một số thuốc kháng lao (INH, rifamixin…), thuốc thuộc nhóm fluoquinolon (ciprofloxacin, levofloxacin), acetaminophen. Đặc biệt, khi dùng các thuốc này với liều lượng cao Khi ngộ độc do thuốc cũng có thể làm men gan gia tăng.
– Ngoài ra còn rất nhiều bệnh mạn tính khác hay do chế độ ăn uống không điều độ, tập thể dục cường độ mạnh cũng làm thay đổi men gan cao hơn so với bình thường.
Cách phòng ngừa men gan cao.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia:
– Nếu tình cờ phát hiện tình trạng men gan cao, đặc biệt là tăng gấp đôi chỉ số bình thường (trên 40U/l) thì cần đi khám bệnh để bác sĩ xác định nguyên nhân. Khi đã xác định được nguyên nhân thì cần trao đổi với bác sĩ để có phương hướng điều trị kịp thời.
– Nếu men gan tăng do viêm tắc đường dẫn mật thì cần được điều trị triệt để nguyên nhân.
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng men gan cao có thể dẫn đến nhiều bệnh lý gan mật khác nguy hiểm hơn như xơ gan, ung thư gan, suy giảm chức năng gan…
Rượu bia là một trong những nguyên nhân làm men gan tăng
– Trong ăn uống hằng ngày, cần hạn chế rượu, bia và các loại đồ uống, nhất là người đang mắc bệnh về gan (viêm gan cấp, mạn hoặc người lành mang virut viêm gan), mật (sỏi mật, viêm đường dẫn mật, giun chui ống mật) hoặc đã từng mắc bệnh sốt rét. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Chế độ ăn cũng cần được lưu ý, ví dụ như không ăn mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào.
– Khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng trong khi đang dùng một loại thuốc nào đó cũng nên cho bác sĩ khám bệnh và theo dõi sức khoẻ cho mình biết để bác sĩ có phương án giải quyết.
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao thể trạng, duy trì một sức khỏe tốt cũng là một biện pháp hữu hiệu cho một lá gan khỏe.
– Ngoài giúp cơ thể chiến đấu chống lại vi khuẩn là lọc máu, gan còn giúp tiêu hóa thức ăn, dự trữ năng lượng để cơ thể sử dụng khi cần. Gan là một bộ phận đặc biệt của cơ thể khi có khả năng tự hồi phục khi bị tổn thương. Tuy nhiên, khi đã tổn thương quá nặng nề thì gan không còn khả năng phục hồi về cấu trúc và chức năng được nữa. Vì thế chúng ta cần phải chú ý bảo vệ và chăm sóc tránh các bệnh về gan để lá gan của mình luôn khỏe mạnh.