Công trình khoa học của anh được cả Mỹ và Đài Loan cấp bằng sáng chế, được ứng dụng thành công trong ngành y dược Việt Nam. Và anh cũng được giới y học coi là người giải cứu lá gan cho người Việt.
Sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Long – Nam Đàn (Nghệ An), thuở nhỏ, Trần Đức Dũng đã tiếp xúc với nhiều loại dược liệu qua công việc bốc thuốc của cha mình. Và một trong những câu chuyện mà anh ấn tượng nhất là câu chuyện về loài cây chim không đậu – ưng bất bạc, được người dân dùng để giã rượu và chữa các triệu chứng viêm da, lở, ngứa.
Anh cũng không lý giải được vì sao mình lại ấn tượng với loài cây này bởi lúc bấy giờ trong anh chưa hề hình thành bất kỳ dự định hay mơ ước nghề nghiệp gì. Hơn nữa, chuyện người dân thôn quê dùng các loại cây cỏ như một vị thuốc để chữa bệnh này bệnh kia cũng rất bình thường.
Cho đến khi anh bắt đầu giấc mơ nghề nghiệp của mình ở Trường Đại học Dược Hà Nội, cái tên ưng bất bạc cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của anh. Rồi anh bắt đầu tìm hiểu về loài cây lá xanh um nhưng chi chít gai khiến chim không dám đến đậu này. Thì ra ưng bất bạc không chỉ có ở miền quê anh mà có nhiều ở các vùng núi khác và người dân tộc Tày chính là những người đầu tiên phát hiện ra công dụng của loại cây này.
Ưng bất bạc cũng đã từng được ghi nhận trong y văn cổ của Việt Nam và Trung Quốc, là cây có vị cay, đắng, tính ấm, quy vào các kinh can, tỳ, vị, có công năng trừ phong, lợi thấp, hoạt huyết thông lạc, lợi niệu, tiêu thũng, dùng để chữa trị các chứng viêm gan vàng da, viêm gan mạn tính, vàng da phù thũng, thận viêm phù thũng…
Được ghi nhận là thế, nhưng công dụng của loài cây này vẫn chỉ mới được sử dụng như một bài thuốc dân gian truyền miệng trong không gian hẹp chứ không phổ biến và chưa hề được chứng minh bằng bất kỳ nghiên cứu khoa học nào.
Trong khi đó, thực tế ở Việt Nam, người bị bệnh gan ngày càng nhiều, các bệnh lý về gan ngày càng đa dạng, phức tạp và người bệnh phải chịu chi phí thuốc men cao do hầu hết thuốc chữa gan đều là thuốc ngoại nhập. Thực tế đó càng thôi thúc anh nuôi dưỡng giấc mơ “đãi vàng” từ loại cây dược liệu này để góp phần giúp đỡ người bệnh trong cả nước.
Xem thêm:
- Giám đốc trẻ thoát khỏi biến chứng viêm gan vì “nhiễm mỡ” sau 3 tháng
- Tìm hiểu thêm về Ưng Bất Bạc và Phosphocomplex
Tiến sỹ Trần Đức Dũng cho biết: “Để hiện thực hoá giấc mơ ấy, năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, tôi xác định mục tiêu của mình phải đến Đài Loan – Quốc gia hàng đầu về chiết xuất dược liệu để nghiên cứu sâu hơn về loại dược liệu này. Trong những năm đầu ra trường tôi vừa đi làm vừa học tiếng Trung và chuẩn bị các điều kiện để có thể sang Đài Loan. Và tháng 3/2003, tôi bắt đầu sang Đài Loan để tập trung nghiên cứu công trình khoa học của mình”.
Cục Sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế cho Tiến sĩ Trần Đức Dũng thông qua công trình nghiên cứu về ưng bất bạc
Tại Đài Loan, mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng được thầy hướng dẫn đánh giá cao công trình nghiên cứu ngay từ đầu. Công trình của anh cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều giáo sư đầu ngành, nhiều nhà khoa học lớn ở Đài Loan nên Trần Đức Dũng càng quyết tâm cao. Những kiến thức mới và phương pháp nghiên cứu hiện đại nhanh chóng được anh tiếp thu. Với mẫu rễ ưng bất bạc mang theo, anh bắt đầu công việc của mình trong phòng thí nghiệm.
Sau 10 năm miệt mài nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Đức Dũng đã khám phá được những công dụng tuyệt vời của cây ưng bất bạc
Những khám phá mới lạ từ các phản ứng hoá học trên mẫu rễ ưng bất bạc càng khiến anh say mê, đến mức những nguy hiểm từ việc tiếp xúc với tế bào ung thư hay hoá chất độc hại cũng không làm anh nhụt chí.
Anh không nhớ nổi mình đã ở trong phòng thí nghiệm bao nhiêu lâu, không nhớ nổi mình phải trải qua bao nhiêu lần thử thuốc với nhiều phương pháp và nồng độ khác nhau để tìm ra kết quả cuối cùng. Trong anh chỉ thường trực duy nhất một lẽ, nhất định phải nghiên cứu thành công để trở về chữa bệnh cho đồng bào Việt Nam.
Trong phòng thí nghiệm, với công nghệ phân tử y sinh học – công nghệ mới nhất, tiên tiến trong nghiên cứu y dược, Trần Đức Dũng đã “đãi” được “vàng” từ loài cây dại ở quê nhà. Những công dụng tuyệt vời đằng sau những bài thuốc dân gian truyền miệng đã được anh khám phá. Sau 10 năm miệt mài nghiên cứu, với sự giúp đỡ tận tình của các giáo sư đầu ngành, Trần Đức Dũng đã chứng minh được 4 nhóm tác dụng quan trọng của rễ ưng bất bạc: Bảo vệ tổn thương tế bào gan do rượu và tân dược; kháng virus viêm gan B; hạ men gan và phục hồi các chức năng gan; diệt tế bào ung thư gan người HA22T của cao chiết ưng bất bạc thông qua cơ chế hoạt hóa protein PP2A.
Công trình nghiên cứu suốt gần 1 thập kỷ của anh đã được Cục Sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ, Ủy ban Khoa học công nghệ Đài Loan cấp bằng sáng chế, được tặng giải thưởng “Nghiên cứu Trung Y dược Hứa Hồng Nguyên” của Đài Loan. Ngoài ra còn có 3 đề tài khoa học về ưng bất bạc công bố quốc tế. Điều đó cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nhà khoa học trẻ, nhưng với lý tưởng chữa bệnh cho người Việt, Trần Đức Dũng đã trở về Việt Nam.
Hiện nay, anh sinh sống tại Hà Tĩnh và đang là chủ nhiệm đề tài khoa học công bố quốc tế về ưng bất bạc của Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI (Hà Nội). Anh cho biết: “Tới đây, sẽ có dự án trồng, thu hái và sơ chế ưng bất bạc tại Hà Tĩnh và Nghệ An. Dự án này vừa tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương vừa góp phần đẩy nhanh quá trình sản xuất sản phẩm từ ưng bất bạc để ngày càng nhiều bệnh nhân gan được cải thiện các bệnh lý với chi phí rẻ”.